Thời Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm Vĩ đại và vua Friedrich I Quân_đội_Phổ

Sáng lập Quân đội

Sự trỗi dậy của Quốc gia Phổ-Brandenburg, 1600-1795

Quân đội Phổ phát sinh ra từ những lực lượng vũ trang thống nhất dưới triều Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I của xứ Brandenburg (1640–1688). Lãnh địa Phổ-Brandenburg, dưới triều nhà Hohenzollern, thường sử dụng những đội quân đánh thuê Landsknecht trong cuộc Chiến tranh Ba mươi năm - cuộc chiến đã tàn phá xứ Brandenburg. Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh và quân Thụy Điển giao chiến ở gần xứ Brandenburg, và thường tùy tiện chiếm đóng lãnh địa này, do chính sách ngoại giao sai lầm nghiêm trọng của tiên chúa Georg Wilhelm và sự yếu kém của nền quân sự Brandenburg.[36] Ngân sách lãnh địa bị kiệt quệ, và vào năm 1640 cả thế giới chẳng mấy ai biết đến xứ Phổ bé nhỏ. Không nơi đâu cuộc chiến tranh diễn ra ác liệt bằng xứ Brandenburg.[37] Sau khi thừa kế ngôi báu, Tuyển hầu tước vĩ đại Friedrich Wilhelm I tiến hành xây dựng một lực lượng Quân đội thường trực có hiệu quả, để bảo vệ lãnh địa vào Mùa Xuân năm 1644. Ông cũng cố gắng giữ thái độ trung lập, bằng được phải gạt chân quân Thụy Điển ra khỏi lãnh địa của mình (ông thực chất là cháu của vua Thụy Điển Gustav II Adolf).[4] Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, nếu có một lãnh chúa bất tài trị vì thì hẳn Phổ - Brandenburg sẽ không được lớn mạnh, nhưng lãnh chúa Friedrich Wilhelm I là vị lãnh chúa có nhiều sáng tạo nhất của Vương triều nhà Hohenzollern. Người ta không hề dối láo khi miêu tả ông là một con người rất khỏe mạnh và năng nổ. Ông cho rằng, lãnh địa của mình - vốn không có được nhiều tài nguyên như các nước láng giềng Pháp và Áo[7] - phải được phát triển dựa vào một lực lượng quân sự lớn mạnh hơn là các liên minh, do đó ông dốc tâm xây dựng đội quân của lãnh địa nhà.[7] Trong suốt cuộc đời của mình, Tuyển hầu tước dốc sức đưa lãnh địa nhà trở thành một liệt cường quân sự.[7] Và, thành tựu của ông sẽ khiến ông được xem là "người Phổ đầu tiên".[8]

Friedrich Wilhelm I, vị "Tuyển hầu tước vĩ đại".

Trong các năm 1643 - 1644, lực lượng Quân đội đang phát triển chỉ có 5.500 quân, bao gồm 500 lính Ngự lâm trong lực lượng Cấm vệ quân của Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I.[38] Đó là lực lượng Quân đội thường trực đầu tiên trong lịch sử nước Phổ - Brandenburg.[7] Cận thần của vị tân Tuyển hầu tước là Johann von Norprath đã tiến hành chiêu mộ tân binh tại Công quốc Cleves và tổ chức một đội quân bao gồm 3 nghìn binh sĩ người Hà Lan và người Đức tại Rhineland vào năm 1646. Tại xứ Brandenburg và Công quốc Phổ, các đơn vị đồn trú cũng dần dần ra đời.[39] Chúa Friedrich Wilhelm I cũng liên minh với Pháp - kẻ thù truyền kiếp của Nhà Habsburg của Áo và tiến hành nhận viện trợ của Pháp. Ông tiến hành cải cách dựa theo những cải cách của Hầu tước Louvois (François-Michel le Tellier), quan Thượng thư Bộ Chiến tranh của vua Pháp Loui XIV khi đó.[40] Nhờ sự phát triển của Quân đội Phổ, Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I đã chiếm được nhiều vùng đất theo Hòa ước Westfalen vào năm 1648, dù xứ Brandenburg không giành được nhiều thắng lợi trong suốt ba mươi năm chiến tranh. Tuy nhiên, với một lãnh địa đã bị quân Thụy Điển và quân Áo tàn phá trong cuộc đại chiến, xứ Brandenburg vẫn còn gặp hiểm nguy. Đất đai thì khô cằn, và nhân dân phải đối đầu với nguy cơ bị quân Thụy Điển, quân Pháp, quân Đan Mạch, quân Nga, quân Ba Lan và quân Tartar xâm lược.[7] Lãnh địa lúc này chỉ có chừng 8 nghìn binh lính.[36]

Đại biểu các đẳng cấp ở các tỉnh đề nghị giảm quân số Phổ trong thời gian hòa bình, nhưng Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I từ chối thông qua sự thoái thác, nền kinh tế và những nhượng bộ về chính trị.[36] Vào năm 1653 trong thời gian ngưng họp Brandenburg giữa Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I và các đảng cấp xứ Brandenburg, tầng lớp quý tộc dâng lên cho Tuyển hầu tước 53 vạn đồng thaler; đổi lại, ông phải khẳng định rằng họ có những đặc quyền riêng. Từ đó, tầng lớp quý tộc Junker vươn lên nắm quyền lợi chính trị, trong khi tầng lớp nông dân thì ngược lại.[38] Tuyển hầu tước được quyền tự do áp đặt thuế má, và thế là ông cứ việc ban hành chính sách mà khỏi cần phải hỏi ý ai - điều này khiến cho vị vua - chiến binh Friedrich II Đại Đế sau này sẽ đạt lợi thế trước kình địch của ông là Nữ hoàng Áo Maria Theresia - người phải lệ thuộc vào tầng lớp quý tộc Áo khi đó.[7] Một khi Quân đội của ông đã đủ lớn mạnh, Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I đã có thể xóa bỏ quyền lợi của các đẳng cấp của các xứ Cleves, MarkPhổ. Vào năm 1661, ông ban chiếu buộc các tỉnh vùng ven sông Rhine phải công nhận quyền tuyển mộ binh sĩ của ông ở những nơi này. Vào năm 1672, miền Đông Phổ cũng không còn phản đối gì với việc nhà chúa tuyển mộ tân binh ở đây.[36]

Tôi thán phục tầng lớp quý tộc của quốc gia nghèo nàn này. Đây là cái tầng lợp đã gầy dựng nên một lực lượng Quân đội Phổ hào hùng.
— Sĩ quan Quân đội Áo vào thế kỷ XVIII[7]

Friedrich Wilhelm I cố gắng đưa các chiến binh từng là lính đánh thuê của mình trơ nên chuyên nghiệp. Ngoài việc gầy dựng từng Trung đoàn riêng biệt và bổ nhiệm các viên Đại tá, Tuyển hầu tước thực hiện hình phạt nặng nề đối với những kẻ phạm tội, tỷ như xử giảo vì tội cướp của. Những hành vi bạo lực của các Sĩ quan Quân đội đối với dân chúng sẽ khiến cho Tuyển hầu tước không dùng đến họ trong vòng một năm.[40] Tuyển hầu tước còn cho phát triển hệ thống Trường Thiếu Sinh Quân phục vụ tầng lớp quý tộc; dù tầng lớp thượng lưu phản đối ý tưởng này trong một thời gian ngắn, việc đưa quý tộc vào các quân đoàn sẽ giúp họ liên minh với nền quân chủ Hohenzollern trong một thời gian.[41] Các Thống chế của Phổ-Brandenburg bao gồm Derfflinger, Johann Georg II, SpaenSparr. Tuy Defflinger có mối quan hệ sóng gió với vị Tuyển hầu tước vĩ đại, nhất là khi ông nói: "không ai có thể vượt mặt Hạ thần", ông vẫn sẵn sàng lập chiến công cho Friedrich Wilhelm I. Song, thậm chí có lần ông còn giải ngũ khi Triều đình phong Vương công xứ Anhalt-Dessau (Johann Georg II) làm Tổng tư lệnh của đạo quân Phổ tại sông Rhine, nhưng khi tình hình không thuận lợi thì Defflinger được Friedrich Wilhelm I triệu ra thay.[42] Vốn theo truyền thống, các đạo quân của Tuyển hầu tước được tổ chức thành những lực lượng của các tỉnh tách rời trong lãnh địa. Vào năm 1655, nhà chúa xuống lệnh cho Thống chế Sparr chỉ huy những đội quân tách rời này. Không những thế, Tuyển hầu tước còn giao cho Tướng coi Quân nhu là Platen việc quản lý quân nhu, góp phần gia tăng sự thống nhất cho lực lượng Quân đội của lãnh địa. Nhờ đó, uy quyền của các viên Đại tá đánh thuê vốn đã nắm quá nhiều uy quyền trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi năm bị giảm sút. Đồng thời, Triều đình cũng vời đội dân quân vùng Đông Phổ về triều mà phò chúa, giúp nước. Lực lượng Quân đội Brandenburg nhanh chóng gia tăng, với 8 nghìn quân sĩ vào ngày tháng 9 năm 1655, sau đó lên đến 22 nghìn binh lính vào tháng 6 năm 1656 và 27 nghìn binh sĩ khi Hiệp định Oliva được ký kết vào năm 1660. Và, những năm tháng đó được nhà sử học Curt Jany coi là lúc lực lượng Quân đội thường trực Brandenburg thực sự được sáng lập.[36] Như nhà sử học vĩ đại của nước Đức là Heinrich von Treitschke nhận định, việc dựng nên một Quân đội Dân tộc Phổ là lúc Nhà nước Phổ thực sự ra đời. Đánh giá này không có gì gây tranh cãi cả (Tot gestarum scriptores quot sententiae).[43]

Những cuộc chinh chiến của Tuyển hầu tước Vĩ đại và Friedrich I

Các chiến binh Brandenburg trong Trung đoàn Bộ Binh của Leopold I, Vương công của Anhalt-Dessau, bởi Richard Knötel.

Vào tháng 6 năm 1656, Tuyển hầu tước liên minh với vua Thụy Điển là Karl X. Lực lượng Quân đội Phổ-Brandenburg tồn tại được trong cuộc thử lửa lần thứ nhất của họ nhờ chiến thắng trong trận đánh lớn tại Warsaw, trong cuộc Chiến tranh Bắc Âu. Liên quân Phổ - Thụy Điển giáp chiến với quân Ba Lan trong suốt ba ngày, và những đội Kỵ binh hùng hậu của liên quân đã đại phá tan nát được địch quân.[44] Trong cuộc đại chiến này, Tuyển hầu tước đã thể hiện được ông là một vị thống soái khá tài tình, dũng cảm, năng nổ và không sợ mọi hiểm nguy. Người ta phải ấn tượng trước tinh thần kỷ luật tốt của các chiến binh Brandenburg, cũng như do họ đối xử tốt với dân chúng Ba Lan, khác với thái độ ngược đãi của Quân đội Thụy Điển. Chiến thắng của vua Karl X đã khiến cho Hà Lan, Nga và cả Đế quốc La Mã Thần thánh lo sợ nên họ đã hỗ trợ cho Ba Lan. Không những thế, người Ba Lan và người Tartar bắt đầu lăm le tấn công tuyến quân nhu của người Thụy Điển và người Brandenburg. Trước tình hình người Thụy Điển bị lâm vào tình thế cô lập, người Brandenburg đã có thể bước vào vòng đàm phán, buộc họ phải công nhận quyền thống trị xứ Phổ của ông. Sau thành công này, ông nhận thấy tình hình Thụy Điển trở nên nguy kịch do người Đan Mạch nhảy vào tham chiến. Thế rồi, ông lập tức mở cuộc đàm phán với người Ba Lan. Nhờ vào thắng lợi của Quân đội Nhà Hohenzollern, Friedrich Wilhelm I nhận được quyền Bá chủ Công quốc Phổ vào năm Hiệp định Wehlau (1657), theo đó Phổ-Brandenburg liên minh với chính Vương quốc Ba Lan và Đại Công quốc Litva và Đế quốc La Mã Thần thánh. Trong các năm 1658 - 1659, quân Brandenburg dũng mãnh liên tiếp chiến thắng như chẻ tre, quân Thụy Điển phải tháo chạy.[45] Dù đã gạt bỏ được quân Thụy Điển ra khỏi lãnh thổ của mình, Tuyển hầu tước không chiếm được vùng Vorpommern theo Hiệp định Oliva vào năm 1660, để khôi phục cân bằng quyền lực. Nhưng với Hiệp định này không còn kẻ nào dám đến xâm phạm lãnh thổ Brandenburg nữa.[38]

Hiệp định này cũng làm nên một sự cân bằng mới trong quan hệ quốc tế thời đó.[1] Chiến thắng tại Warsaw là một khởi đầu tốt đẹp cho lực lượng Quân đội Brandenburg non trẻ và vị chỉ huy quân sự tài năng của họ[46]. Sau chiến thắng, Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I có lệnh cho giảm quân số, nhưng không có gì khó khăn với người Brandenburg một khi quân số ít đi: kể từ thời ông, các triều vua chúa Brandenburg không bao giờ phải gầy dựng Quân đội tinh nhuệ trong khi Nhà nước đang trong cơn nguy kịch nữa. Từ năm 1660 cho đến năm 1672, Tuyển hầu tước có khoảng từ 7 nghìn đến 12 nghìn binh sĩ dưới ngọn cờ của ông.[36] Đầu thập niên 1670, ông ủng hộ Đế quốc La Mã Thần thánh giành lấy vùng Grand Est và phải đấu tranh chống những cuộc xâm lược của vua Pháp là Pháp. Quân đội Brandenburg lại được mở rộng, mà lần này còn nhanh hơn trước nhờ Tuyển hầu tước có được quân nhu cung cấp đầy đủ cho họ.[36] Quân tinh nhuệ Thụy Điển đến xâm phạm xứ Brandenburg vào năm 1674 trong khi quân chính quy của Tuyển hầu tước lại đang nghỉ đông ở vùng Franconia. Vào năm 1675, Tuyển hầu tước thân chinh kéo các chiến binh về phương Bắc để giáp mặt với quân Thụy Điển do Thống chế Wrangel chỉ huy. Đây là cơ hội để ông báo thù việc người Thụy Điển tàn phá lãnh địa Tuyển hầu tước Brandenburg trong cuộc Chiến tranh Ba Mươi Năm. Vào ngày 10 tháng 2 năm 1675, ông phán với quan đại thần Otto von Schwerin: "Ta không phải làm gì khác ngoài việc trả thù giặc Thụy Điển". Ông cũng khuyến khích toàn dân, dù là quý tộc hay vô sản, hãy "diệt sạch giặc Thụy Điển, để chúng đưa tay lên người chúng và cắt cổ chúng... không thể tha thứ cho lũ giặc". Đội quân tinh nhuệ Thụy Điển không hề biết Quân đội Brandenburg đã kéo đến. Do đó, Tuyển hầu tước và Thống chế Defflinger quyết định kéo 7 nghìn quân Kỵ binh vào đánh úp cứ điểm của địch tại Rathenow, trong khi đó 1 nghìn lính Ngự lâm Pháo thủ được đưa lên xe ngựa để giữ khoảng cách với cuộc tiến công. Thời tiết xấu, mưa lớn cũng làm cho quân Thụy Điển không thể nhận thấy người Brandenburg. Vào ngày 25 tháng 6 năm 1675, quân Brandenburg tấn công và tiêu diệt quân Thụy Điển, trong khi rất ít chiến binh Brandenburg phải hy sinh trong trận đánh này.[45]

Tuyến quân Thụy Điển đã bị hủy diệt tại Rathenow, tạo điều kiện cho Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I đánh trận vang danh nhất trong tất cả những cuộc chiến tranh của ông - đó là trận Fehrbellin ở gần kinh đô Berlin. Để nối lại liên kết với nơi phòng thủ của mình, Trung đoàn Thụy Điển tại thành phố Brandenburg đã rút sâu vào làng mạc, dự định hành binh về phía Tây Bắc để gia nhập với quân chính quy tại Havelberg. Tuy nhiên, quân xâm lược đã sai lầm: những trận mưa tuôn mưa xối Xuân - Thu làm các đầm lầy trở thành con suối chảy như điên. Quân Thụy Điển đành phải lui binh về thị trấn nhỏ bé Fehrbellin trên sông Rhine. Trong trận đánh ở đây, tuy Quân đội Brandenburg có quân số nhỏ hơn, nhưng họ đã chiến đấu dũng mãnh, và nhờ có đòn tấn công đẹp mắt của quân Kỵ binh Brandenburg, vị Tuyển hầu tướcông đã đại phá tan tác quân tinh nhuệ Thụy Điển đông đảo hơn.[4] Dù đây chỉ là một trận đánh nhỏ, đại thắng tại Fehrbellin mang lại tiếng tăm cho lực lượng Quân đội Phổ - Brandenburg ngày một lớn mạnh và khiến người đời gọi Friedrich Wilhelm I là "Tuyển hầu tước Vĩ đại". Ông đã thể hiện xuất sắc tài nghệ thống soái của mình.[7][37][47] Trận đánh chỉ kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ thì người Phổ đã đại thắng.[48] Bãi chiến trường Fehrbellin trở nên thiêng liêng.[8] Nhân dân Phổ - Brandenburg luôn luôn mãi nhớ về trận đánh này, đưa chiến thắng trở thành một huyền thoại. Quân Thụy Điển nhiều tên thiệt mạng, phần còn lại bỏ chạy bán sống bán chết, đã thế lại bị nông dân Phổ tiến công. Cuối cùng, lãnh địa Tuyển hầu tước Brandenburg không còn một tên địch.[45] Sự can thiệp của người Thụy Điển vào xứ Phổ đã tan tành mây khói.[49]

Trận Fehrbellin - chiến thắng vang dội đầu tiên của Quân đội Phổ (1675).

Tuy chiến thắng ban đầu tại Warszawa thật là quan trọng nhưng thắng lợi vang dội tại Fehrbellin xem chừng còn nổi tiếng hơn cả trận thắng này.[50] Dù đã cao niên, Thống chế Derfflinger đã lập nên công lớn trong trận thắng vang dội này, và ông trở thành vị đại kiệt tướng đầu tiên trong lịch sử Phổ.[51][52] Dưới sự chỉ huy của viên chỉ huy Long Kỵ binh táo tợn này, ba quân hành binh nhanh nhạy.[51] Dù quân Thụy Điển có 38 khẩu đại pháo nhưng bất lực nên chỉ nã có 7 chiếc, ngược lại chỉ với 13 khẩu đại pháo nhưng ông kéo được chúng lên đồi cao mà cứ thế mà nã vào quân thù. Quân Brandenburg mất có 500 chiến binh trong khi 5 nghìn lính Thụy Điển đều bại vong cả. Tài năng của Derfflinger khiến ông được đánh giá là "dù đã 70 tuổi, nhưng vẫn uy dũng như một chàng thiếu niên.[50] Để chứng tỏ rằng quân Thụy Điển đã tan tành tại Fehrbellin, ông triệu tập một nhóm lính và truy kích mãnh liệt đám bại binh Thụy Điển,[53] và một lần nữa đánh tan nát quân Thụy Điển trong trận giao chiến ở Tilsit. Giữa thế kỷ thứ XVIII về sau, khi nhà vua Friedrich II Đại Đế đến thăm bãi chiến trường Fehrbellin để tìm hiểu về những năm tháng huy hoàng của truyền thống quân sự Phổ, các cựu chiến binh già của chiến thắng Fehrbellin đã cùng Quân vương tham quan bãi chiến trường xưa.[8] Sau đại thắng lừng vang, Tuyển hầu tước vĩ đại quyết tâm phát huy thế thượng phong, để quân Thụy Điển phải nhượng vùng Pomerania cho ông: không những liên minh với Đan Mạch và Hà Lan, ông còn thân chinh tiến quân giành chiến thắng như là chẻ tre: thoạt đầu, ông rắp tâm chiếm lĩnh thành Stettin để lập quyền kiểm soát sông Oder. Do đó, ông nhanh chóng tổ chức tiến công đoạt được thành Demmin của quân Thụy Điển vào năm 1676.[42] Vào Mùa Xuân năm 1677, ông cảm thấy hứng thú khi các nước tham chiến tiếp tục thù địch lẫn nhau. Ông không bao giờ làm ngơ việc xây dựng ba quân và triệu tập một đội Pháo Binh hùng hậu bao gồm 180 khẩu đại bác. Vốn hồi năm trước thủy quân Thụy Điển đã bị thủy quân Đan Mạch đánh cho tơi bời nên lợi dụng thời thế, ông ra lệnh cho thủy binh Brandenburg đánh phá thành phố Stettin từ ngoài biển.[54] Từ tháng 7 cho tới tháng 12 năm 1677, quân Brandenburg bắn phá Stettin và vây hãm thành trì này cả trên đất liền lẫn biển cả. Quân đội Brandenburg hứng chịu tổn thất nặng nề, tuy nhiên họ đã đưa thành phố này đến cảnh khốn cùng, bị tan hoang với những đám cháy do hỏa pháo Brandenburg gây ra. Đội quân đồn trú Thụy Điển bị suy kiệt.[54] Thành Stettin không chống nổi phải đầu hàng. Vào ngày 6 tháng 1 năm 1678, Friedrich Wilhelm I ca khúc khải hoàn cùng toàn quân thẳng tiến vào Stettin. Những thắng lợi hào hùng của lực lượng Quân đội Brandenburg đã khiến cho Triều đình Áo lo sợ về sự lớn mạnh của tiểu quốc vũ dũng này.[53][55]

Vào năm ấy, ông lại quyết định mở chiến dịch chinh phạt đảo Rügen, hòn đảo yểm trợ cho hòn đảo lớn và pháo đài trên biển Stralsund. Quân Thụy Điển kháng cự quyết liệt, nhưng rồi quân Brandenburg đã chiếm đoạt được Rügen vào tháng 9 năm 1678, tạo điều kiện cho họ tiếp tục đánh Stralsund.[54] Cho đến tháng 10 năm 1678, Stralsund thất thủ. Mục tiêu của chính sách đối ngoại của ông - Pomerania - đã nằm trong tầm tay của vị Tuyển hầu tước vĩ đại. Tuy nhiên, can thiệp Pháp vẫn tiếp tục chi viện cho Thụy Điển, do đó xứ Brandenburg không thể nào bỏ qua mối hiểm họa này. Và, đến lúc này thì những chiến sĩ thiện chiến Brandenburg lại được dịp tiến hành một chiến dịch chói lọi nữa: đó là chiến dịch Mùa Đông 1678 - 1679: Cuối năm 1678, trong khi đại quân của Friedrich Wilhelm I đang công hãm Stralsund quyết liệt, Quân đội Thụy Điển tràn qua sông Memel xâm lược xứ Phổ. Khi ấy, xứ Phổ thực chất không hề có quân sĩ, và vị Phó chúa là Quận công Ernst xứ Croy chỉ có 2500 quân chính quy, tương đương với lực lượng Dân binh địa phương. Quân Thụy Điển Nam tiến, quân Phổ tiến hành rút lui, và họ làm cho đồng không nhà trống, sông cũng không có thuyền mà vượt. 2 nghìn quân Brandenburg do Tướng Von Gortzke chỉ huy cũng kéo đến hỗ trợ, nhưng các Trung đoàn của Ernst vẫn cứ tiếp tục rút quân và đến miền đất phía Nam Königsberg. Trong khi ấy, vị Tuyển hầu tước Vĩ đại vẫn điềm tĩnh, kéo đại binh về. Vào ngày 12 tháng 12 năm 1678, Friedrich Wilhelm I tiến quân về kinh thành Berlin, nhưng vào ngày 14 tháng 12 năm ấy thì ông và ba quân rút đi do biết rằng Công quốc Phổ đang lâm vào hiểm họa. Ông kêu gọi tổ chức chiến dịch kháng chiến lớn tại Phổ, với quân số đông đảo bao gồm 6 Trung đoàn Kỵ Binh, 2 Trung đoàn Long Kỵ Binh và 5 Tiểu đoàn Bộ Binh, cùng với vài lực lượng khác nữa. Đây là một đỉnh cao của ông, lần đầu tiên ông chỉ huy một đội quân đông đảo đến thế, bất chấp sự sút giảm của quân số Phổ sau suốt 4 năm chinh chiến tàn khốc.[42] Ông và các chiến binh đã quét sạch hoàn toàn địch quân trong "Cuộc đua xe trượt tuyết vĩ đại" (Die große Schlittenfahrt) trong các năm 1678 - 167. Trong chiến dịch thành công vang dội này của ông, những chiến binh trên xe trượt tuyết đã tấn công hết sức linh động và mãnh liệt, lại còn truy kích địch dữ dội.[5] Những người lính Bộ Binh Phổ trên xe trượt tuyết đã cắt hết tất cả các đường dễ rút của quân Thụy Điển, làm cho kẻ thù lâm vào thảm họa. Nhà sử học người Scotland Thomas Carlyle phải so sánh của lui quân vào Mùa Đông của đám bại binh Thụy Điển với cuộc rút lui khỏi thành phố Moskva của Napoléon và đám tàn quân của ông ta. Chiến dịch này có tầm ảnh hưởng rất to lớn đến các chiến dịch của Phổ - Đức về sau. Trong cả thay 16 nghìn tàn quân Thụy Điển, chỉ có 3 nghìn người có thể về được đến trường thành Riga. Quân Brandenburg chiến thắng vẻ vang rất nhanh chóng, đóng góp to lớn cho truyền thống Chiến tranh Cơ động ("Bewegungskrieg") trứ danh của nền quân sự Phổ - Đức.[42] Những chiến công oanh liệt của Tuyển hầu tước vĩ đại Friedrich Wilelm I đã được hoàn tất.[56]

Sinh thời, ông có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiến hành một cuộc chiến tranh nhanh gọn, điều này có ảnh hưởng lớn lao đến các thế hệ Tư lệnh Phổ - Đức đời sau, điển hình như Friedrich II Đại Đế và Moltke.[5] Trong các tướng giỏi của Brandenburg có Görschen là người lập công đánh úp quân Thụy Điển tại Splitter (Phổ) và Treffenfeld là người đã quét sạch bóng dáng quân địch ra khỏi Công quốc naỳ.[53] Tuy nhiên, do các lân bang thiên về chống lại ông, Friedrich Wilhelm I lập lại hòa bình bằng việc ký kết Hòa ước St. Germain với Thụy Điển theo đó ông trả lại tỉnh Pomerania cho họ, song ông thống nhất được thêm lãnh địa của mình.[55] Những chiến công lẫy lừng của vị Tuyển hầu tước Vĩ đại cho thấy đội quân tinh nhuệ của ông không chỉ có thể đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, mà còn được các liệt cường châu Âu phải mến mộ.[57] Sau này vua Friedrich II Đại Đế rất ngưỡng mộ vị Tuyển hầu tước Vĩ đại, vì vị tổ dũng mãnh này là người mở ra những năm tháng vàng son cho lịch sử Phổ.[37] Ông gầy dựng lực lượng Quân đội Nhà Hohenzollern nhiều nhất là 7 nghìn binh lính trong thời bình và khoảng 15 nghìn - 3 vạn chiến binh trong thời chiến chinh.[41] Vào năm 1683, khi quân Ottoman công hãm kinh thành Viên, ông phái một đạo quân Brandenburg đến hỗ trợ cho Hoàng đế La Mã Thần thánh giải vây.[58] Chiến thắng của Quân đội Nhà Hohenzollern trước quân Ba Lan và quân Thụy Điển đã mang lại vinh quang cho lãnh địa Phổ-Brandenburg, và cũng giúp cho vị Tuyển hầu tước Vĩ đại áp đặt các chính sách của chế độ quân chủ chuyên chế vào các điền trang và thị trấn.[38] Trong Di chúc Chính trị của ông vào năm 1667, Tuyển hầu tước Vĩ đại ngự bút:

Nói chung các liên minh là tốt, nhưng lực lượng của chính ta sở hữu vẫn hơn hẳn. Giữa vào họ ta sẽ an toàn hơn, và một vị Quân vương mà không có đường lối trị vì và Quân đội của chính mình thì chẳng ra gì.

— Friedrich Wilhelm I[59]

Ông để lại cho đời sau một đội quân ít ỏi, nhưng đặc biệt xuất sắc.[7] Đại thắng của ông tại Fehrbellin là thắng lợi lừng lẫy đầu tiên của lực lượng Quân đội Phổ non trẻ, sau một công lao quan trọng hơn của ông là giữ vững ngân khốc của Nhà nước và Quân đội cho các đời Quân vương kế tục, và mở ra truyền thống thượng võ của dân tộc Phổ. Thời kỳ dùng lính đánh thuê của xứ Phổ đã qua đi mãi mãi. Lúc Tuyển hầu tước Vĩ đại qua đời vào năm 1688, lãnh địa của ông đã được công nhận rộng rãi là có lực lượng quân sự chiến đấu uy dũng.[1] Trong lúc này, họ có đến 3 vạn binh sĩ tinh nhuệ, bao gồm 36 Tiểu đoàn Bộ binh, 32 Sư đoàn Thiết Kỵ binh và 8 Sư đoàn Long Kỵ binh, dù lãnh địa khi ấy chỉ có một triệu rưỡi dân.[60] Xứ Phổ vươn lên thành một trong những liệt cường quân sự hùng mạnh nhất của Bắc Âu.[37] Nếu năm xưa Phổ là một Nhà nước nhị nguyên thì bộ mặt lãnh địa bây giờ đã khác: là một Nhà nước quân chủ quân sự mới mẻ, chuyên quyền, mà chỉ một người nắm trọn vẹn quyền lực. Lực lượng Quân đội Phổ không chỉ tham gia nghi lễ thiết triều hoặc là diễn tập, và không phải là một lực lượng đánh thuê - như ở nhiều Công quốc Đức khác - dễ dàng theo các thế lực ngoại bang. Quân đội trở thành lực lượng nòng cốt của quốc gia, mà có khi cả nền quân chủ còn được nói hơi phóng đại là một trại lính trong thời bình. Song, với dân số ít ỏi, trong suốt triều đại của mình thì không những dùng binh lực mà ông còn dùng ngoại giao.[61] Con của Tuyển hầu tước Vĩ đại là Friedrich III (1688–1713) lên nối ngôi báu.[7] Có sách chép tên vị tân Tuyển hầu tước là Friedrich Wilhelm II.[7] Ông cho 10 tiểu đoàn và 6 sư đoàn hỗ trợ quân Hà Lan đánh Pháp vào năm 1689, cho đến khi Pháp phải giảng hòa vào năm 1697.[62] Thấy thực lực của lãnh địa ngày càng lớn mạnh, và giữa lúc một cuộc đại chiến chống Pháp lại sắp nổ ra,[7] Tuyển hầu tước Friedrich III tuyên bố thành lập Vương quốc Phổ và tự tấn phong mình làm Quốc vương Friedrich I vào năm 1701, tại vùng Đông Phổ. Khác với xu thế thường thích của Vương triều nhà Hohenzollern khi đó,[7] ông ăn chơi xa xỉ, thích phong cách kiến trúc Baroque và bắt chước theo cung điện Versailles, nhưng vị tân vương nhận thức được tầm quan trọng của Quân đội và mở rộng lực lượng với 4 vạn chiến binh.[63] Với ông, những binh sĩ tinh nhuệ này không những giúp ông bảo vệ Vương quốc non trẻ, mà còn Ngôi báu và Vương triều của mình.[64] Đời Friedrich I, nước Phổ hãy còn nhỏ bé nhưng là liệt cường quân sự Kháng Cách hùng mạnh nhất trong Đế quốc La Mã Thần thánh dân tộc Đức.[4] Ông cho quân tham chiến trong cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha - một sự kiện có tầm quan trọng quyết định đối với truyền thống quân sự nước Phổ. Qua đó, không những ba quân có được uy tín trên chiến trường châu Âu, các tướng tá Phổ đã tiếp nhận với những chiến thuật xuất sắc đã giúp danh tướng nước Anh là John Churchill, Quận công Marlborough thứ nhất đập cho tan tác quân Pháp của Louis XIV, làm cho quân thù bị suy sụp.[7]

Một trong các Sĩ quan Quân đội Phổ như vậy có Vương công Leopold I xứ Anhalt-Dessau, ông đã tham chiến trong trận đánh lần thứ nhất tại Hochstadt (1703) và khi liên quân Áo - Phổ bại trận, ông đã tiến hành một cuộc lui binh hiển hách cứu vãn ba quân. Ông còn tháp tùng danh tướng nước Áo là Eugène xứ Savoie trong trận đánh quân Pháp lần thứ hai tại Hochstadt, còn gọi là trận Blenheim (1704) - một đòn giáng sấm sét vào địch quân. Trong trận đánh tại Turin (1706), các chiến binh Phổ góp phần giúp Eugène đại phá địch thù.[65] Ông cũng tham chiến ở Cassano (1705), và vào năm 1709, ông đưa Hoàng thái tử Friedrich Wilhelm ra chiến trường Malplaquet.[66][67] Chính danh tướng Eugène cũng thừa nhận rằng để ông có thể nghiền nát địch tại Blenheim, những chiến binh Phổ là không thể thiếu được.[68] Chiến thắng tại Malplaquet làm ảnh hưởng lớn đến tâm tư của vị Thái tử 21 tuổi: liên quân Anh - Áo - Phổ thắng trận nhưng cả phải hứng chịu tổn thất kinh khủng (Pháp cũng tương tự), và đây là trong những trận đánh ác liệt nhất trong chính sử châu Âu.[4] Sau này, Leopold được Quốc vương phong làm Thống chế, và chiến thuật của ông học hỏi từ Marlborough được Quốc vương Friedrich II Đại Đế áp dụng.[69]

Nhìn chung, quân lực Phổ không ngừng phát triển dưới thời Friedrich I.[70] Những binh sĩ người ngoại lai trở thành một nhân tố quan trọng trong lực lượng Quân đội Phổ, do Tuyển hầu tước Friedrich Wilhelm I và Quốc vương Friedrich I đã ban chỉ dụ cho vời biết bao tín đồ Huguenot đang bị Louis XIV ra sức đàn áp được chạy khỏi Pháp mà sang lánh nạn trên đất nước Phổ. Con cái của họ bao gồm có hai binh sĩ Phổ trong cuộc Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha là Hautchamoy và Pennavaire, đều là Trung tướng của Quốc vương Friedrich II Đại Đế về sau. Đời vua Friedrich II Đại Đế, trong Quân đội cũng có một nhóm Sĩ quan cấp cao là người ngoại lai, điển hình như Heinrich August de la Motte Fouqué sẽ được đề cập đến trong bài viết này.[71]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa